Ngày 09/6/2022, tại hội trường Khách sạn Sài Gòn Bạc Liêu. Được sự thống nhất cho phép của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu (LHH Bạc Liêu) tổ chức Hội thảo Tư vấn phản biện: “Giải pháp kích cầu du lịch Đồng bằng sông Cửu Long thời COVID-19”.
Đến tham dự Hội thảo gồm có: PGS.TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ; PGS.TS Dương Hoa Xô nguyên Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học, Phó Chủ tịch LHH thành phố Hồ Chí Minh; Bà Võ Thị Mỹ Dung, Chánh văn phòng Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); đại diện lãnh đạo LHH các tỉnh/thành thuộc khu vực ĐBSCL (Tiền Giang, Kiên Giang, Long An, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, TP. Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau); cùng đại diện một số Sở, ngành liên quan trong tỉnh cùng các công ty/doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong và ngoài tỉnh Bạc Liêu; có Thông tấn xã Việt Nam tại Bạc Liêu; Báo Bạc Liêu, Cổng Thông tin điện tử, Đài phát thanh và Truyền hình Bạc Liêu đến dự và đưa tin về Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo
Chủ tọa Hội thảo: Thạc sĩ Lâm Thành Đắc, Chủ tịch LHH Bạc Liêu; Tiến sĩ Nguyễn Xuân Khoa, Phó Chủ tịch LHH Bạc Liêu.
Nội dung Hội thảo: Đánh giá đúng mức về tình hình dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đối với sự phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long; Đề xuất các giải pháp kích cầu để thực hiện tốt nhiệm vụ kép vừa củng cố, duy trì, đẩy mạnh hoạt động du lịch phù hợp với điều kiện mới, đảm bảo mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế xã hội, vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả.
Nhìn chung tại Hội thảo, các đại biểu đã xác định ngành du lịch có vị trí ngày càng quan trọng đối với ngành kinh tế ở nhiều quốc gia trong đó Việt Nam, là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống. Khi đời sống người dân được cải thiện, mức sống càng cao nhu cầu du lịch càng lớn. Trong những năm qua, Việt Nam được bình chọn là điểm đến hấp dẫn của du khách ngoài nước. Tuy nhiên từ đầu 2020 đến cuối năm 2021, đại dịch COVID-19 đã xuất hiện, bùng phát ở phạm vi toàn cầu, đã làm ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động du lịch cả nước, trong đó có du lịch ĐBSCL… nhiều doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, khu vui chơi - giải trí phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động, người lao động mất việc làm…doanh thu du lịch ĐBSCL năm 2020 giảm trên 47%, năm 2021 giảm trên 80% so với năm 2019.
Phát biểu kết luận, Thạc sĩ Lâm Thành Đắc đánh giá: Vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhiều người còn gọi là đất Chín Rồng, nổi tiếng là vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây của cả nước, mà còn là một trong bảy vùng trọng điểm về du lịch Việt Nam, có 5 khu du lịch và 7 điểm du lịch quốc gia, trong đó tỉnh Bạc Liêu có 9/39 điểm du lịch tiêu biểu khu vực ĐBSCL. Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát cuối năm 2019 đến nay, đã gây ra những tổn thất vô cùng nghiêm trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội nói chung và ngành du lịch của cả nước cũng như tại địa phương nói riêng. Năm 2021, lượng du khách tiếp tục giảm thêm 27,4%, doanh thu tiếp tục giảm thêm 28,8%. Dịch bệnh COVID-19 bùng phát, đã ảnh hưởng toàn diện, trực tiếp trên nhiều lĩnh vực kinh doanh du lịch như lữ hành, lưu trú, vận chuyển, dịch vụ, các hoạt động kinh doanh tại khu du lịch, điểm du lịch, cũng như tác động nghiêm trọng đến các hoạt động du lịch khác như xúc tiến du lịch, quan hệ quốc tế du lịch. Thực hiện Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 7/3/2022 của Chính phủ; Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15/3/2022; Công điện số 513/CĐ-VPCP ngày 19/01/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc mở cửa lại an toàn, khoa học, hiệu quả đón khách du lịch quốc tế; Thông báo số 43/TB-VPCP ngày 16/02/2022 của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về phương án mở cửa du lịch trên cơ sở ý kiến của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao và văn bản số 1265/BYT-DP ngày 15/3/2022 của Bộ Y tế về phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh; ngày 15 tháng 3 năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Phương án 829/PA-BVHTTDL về việc mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Xác định trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Phương án, tạo sự phối hợp giữa các bên để phục hồi và phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày16/01/2017của Bộ Chính trị. Thời gian mở cửa từ ngày15 tháng 3 năm 2022. Phạm vi: Mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa trong điều kiện bình thường mới thông qua đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển đảm bảo an toàn, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch COVID-19. Ngày 10/10/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về việc điều chỉnh chiến lược từ “không COVID-19” sang “Thích ứng ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”… Sau đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành nhiều hướng dẫn, kế hoạch, chương trình để phục hồi và phát triển du lịch trong “trạng thái bình thường mới”. Qua Hội thảo, Liên hiệp Hội Bạc Liêu sẽ tổng hợp thành Báo cáo chung được gửi cho trình Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu, Liên hiệp Hội Việt Nam; gửi Liên hiệp Hội các tỉnh ĐBSCL để tham mưu cho các cấp chính quyền của Trung ương và địa phương.
Phước Trong