Tổng kết các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao và mô hình tôm - lúa bền vững
Ngày 24/10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao và mô hình tôm - lúa bền vững tỉnh Bạc Liêu. Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo Hội nghị

Các hợp tác xã và các công ty, doanh nghiệp tiến hành ký kết bao tiêu theo chuỗi cung ứng
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, toàn tỉnh có 1.845 ha áp dụng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, trong đó có 13 công ty và 2 đơn vị sự nghiệp nuôi với hơn 950 ha và 324 hộ dân nuôi với hơn 895 ha. Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đòi hỏi vốn đầu tư lớn giao động từ 1 tỷ đến 1,6 tỷ đồng/ha; lợi nhuận các mô hình siêu thâm canh khoảng từ 600 triệu đến 1 tỷ/ha…Về mô hình tôm - lúa vùng Bắc Quốc lộ 1A, tổng diện tích áp dụng mô hình tôm - lúa hơn 37.700 ha; năng suất lúa đạt từ 4,4 - 5 tấn/ha, năng suất tôm đạt từ 230 - 350 kg/ha; lợi nhuận mô hình đạt từ 40 - 60 triệu đồng/ha. Mô hình tôm - lúa tạo ra hệ sinh thái môi trường an toàn được xem là mô hình hiệu quả và phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại Hội nghị, các đại biểu trao đổi, thảo luận tập trung vào các nội dung như: Bảo vệ môi trường trong nuôi tôm siêu thâm canh; nuôi tôm siêu thâm canh bằng phương pháp tuần hoàn khép kín; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tôm; điện phục vụ nuôi tôm siêu thâm canh; giải pháp nâng cao năng suất tôm - lúa...
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Thành Trung nhấn mạnh: Bạc Liêu có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, trong đó ngành tôm là ngành kinh tế mũi nhọn. Chính vì những lợi thế đó, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bạc Liêu phải trở Trung tâm Quốc gia về tôm công nghệ cao, Thủ phủ ngành tôm Việt Nam. Để thực hiện hoàn thành sứ mệnh mà Thủ tướng Chính phủ giao, cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Bạc Liêu cần phải vào cuộc và phải có quyết tâm cao, quyết liệt hơn, tập trung nhiều hơn để ngành tôm Bạc Liêu phát triển.
Để phát huy hiệu quả mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao và mô hình tôm - lúa trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nhiều cuộc hội thảo để các nhà khoa học và nông dân cùng chia sẻ tìm giải pháp phát triển; Ngành Ngân hàng cần có những cơ chế, chính sách để doanh nghiệp và nông dân tiếp cận nguồn vốn; các Sở, Ngành và địa phương tăng cường phối hợp với các viện, trường tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác; nghiên cứu và xây dựng quy trình xử lý nước thải, chất thải trong nuôi tôm siêu thâm canh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dự báo, cảnh báo, quan trắc môi trường, xây dựng các phương án chủ động phòng tránh giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai; tạo sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp cung ứng con giống, vật tư sản xuất và doanh nghiệp chế biến tiêu thụ sản phẩm, góp phần giảm chi phí sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định...
Dịp này, các hợp tác xã và các công ty, doanh nghiệp tiến hành ký kết bao tiêu theo chuỗi cung ứng vật tư, con giống đầu vào và bao tiêu sản phẩm./.